A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

XÃ BA VINH KHẨN TRƯƠNG TIÊU HỦY LỢN NHIỄM BỆNH DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI: QUYẾT LIỆT NGĂN CHẶN DỊCH LAN RỘNG

Hàng chục con lợn của các hộ chăn nuôi tại xã Ba Vinh phải tiêu hủy vì mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Người dân, chính quyền cùng cơ quan chức năng nỗ lực ngăn chặn, dập dịch.

 

Hiện nay, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra trên địa bàn xã Ba Vinh Ngày 15/7/2025 nhận được tin báo từ hộ dân trên địa bàn xã Ba Vinh, dịch bệnh xảy ra trên đàn lợn của hộ dân với số lượng lớn. Ủy ban nhân dân xã Ba Vinh đã chỉ đạo Phòng Kinh tế phối hợp với Trung tâm Cung ứng Dịch vụ công xã kiểm tra thực tế, phát hiện 3 hộ có đàn lợn mắc bệnh với các triệu chứng điển hình của bệnh Dịch tả lợn Châu phi. Trung tâm Cung ứng Dịch vụ công phối hợp với Phòng kinh tế xã tiến hành kiểm tra và lấy mẫu xét nghiệm gửi Trung tâm chẩn đoán và xét nghiệm Thú y Trung ương II.

Đến ngày 16/7/2025 Trung tâm chẩn đoán và xét nghiệm Thú y Trung ương II đã có kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của hộ chăn nuôi ông Trịnh Văn Hà dương tính với vi rút gây bệnh Dịch tả lợn Châu phi.

Để nhanh chóng xử lý ổ dịch bệnh, hạn chế mầm bệnh lây lan ra môi trường xung quanh. Lãnh đạo Ủy ban nhân dân xã Ba Vinh đã khẩn trương chỉ đạo thực hiện và ban hành Quyết định tiêu huỷ đàn lợn của 3 hộ chăn nuôi trong ngày 17/7/2025, gồm:

  1. Hộ ông Trịnh Văn Hà, thôn Cao Muôn

Số lượng: 42 con (Lợn nái đẻ 2 con, lợn thịt 16 con và lợn choai mới tách mẹ 24 con)

  2. Hộ ông Trần Phu thôn Nước Y

Số lượng: 5 con nái đẻ

3. Hộ ông Trần Ngọc Oanh thôn Ba Sơn

Số lượng:  4 con nái đẻ

( Những heo bị mắc bệnh đang chết tại các chuồng trại )

Theo nhận định của các cơ quan chuyên môn của tỉnh, trong thời gian đến, nguy cơ bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tiếp tục phát sinh và lây lan là rất cao do mầm bệnh lưu hành trên phạm vi rộng do: tổng đàn vật nuôi lớn nhưng chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ cao, do ý thức chấp hành pháp luật về lĩnh vực thú y của người dân chưa tốt, tỷ lệ tiêm phòng vắc xin còn thấp, nhiều hộ chăn nuôi chưa chú trọng chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học,…. Vì vậy, nguy cơ phát sinh, lây lan dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trong thời gian đến là rất cao, làm ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi lợn và nguồn cung thực phẩm cho người tiêu dùng.

Bà Trần Thị Ngọc Thương, Phó giám đốc Trung tâm cung ứng dịch vụ công xã Ba Vinh cho biết:

“Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, xã đã nhanh chóng huy động lực lượng, tuyên truyền đến từng hộ dân về nguy cơ lây lan, đồng thời tổ chức rải vôi, phun tiêu độc khử trùng tại các điểm có dịch và vùng lân cận. Chúng tôi phối hợp với Phòng Kinh tế các lực lượng chức năng xã Ba Vinh kiên quyết trong công tác phòng, chống dịch bệnh dịch Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn xã, quyết liệt ngăn chặn không để dịch bệnh lan rộng.”

(Lực lượng dân quân thường trực đang hỗ trợ bà con tiêu hủy lợn dịch)

Để phòng, chống dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi kịp thời, hiệu quả, phát triển chăn nuôi ổn định, không để dịch bệnh lây lan bùng phát trên diện rộng gây thiệt hại đến kinh tế của người chăn nuôi, đề nghị bà con nông dân và các bạn cần thực hiện một số khuyến cáo sau:

Phòng bệnh:

- Khi tái đàn nuôi mới đề nghị bà con không mua con giống khi không rõ nguồn gốc, cần mua con giống ở các cơ sở có uy tín.

- Hạn chế người ra vào khu vực chăn nuôi, khi vào khu vực chăn nuôi cần sát trùng kỹ và thay đồ bảo hộ để đảm bảo không mang mầm bệnh .

- Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn (đặc biệt là vắc xin Dịch tả lợn Châu Phi cho đàn lợn thịt từ 8 tuần tuổi trở lên).

- Định kỳ phun thuốc khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi, chuồng trại 2 tuần/lần.

 Đường truyền lây

- Lây trực tiếp:  qua tiếp xúc giữa lợn mắc bệnh và lợn khỏe mạnh.

- Lây gián tiếp: qua các chất bài tiết, qua thức ăn, nước uống, dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển hay do con người, động vật có mang mầm bệnh.

Triệu chứng lâm sàng

Thời gian nung bệnh từ 3 - 7 ngày và bệnh có thể xuất hiện ở một trong 2 thể:

- Thể quá cấp tính (còn gọi là bệnh Dịch tả lợn trắng): Bệnh xuất hiện đột ngột, không có triệu chứng ban đầu, lợn ủ rũ, bỏ ăn, sốt cao trên 410C, chết nhanh trong vòng 24-48 giờ, tỷ lệ chết có thể lên tới 100%.

- Thể cấp tính: Lợn ủ rũ, biếng ăn hoặc bỏ ăn, sốt cao kéo dài đến lúc gần chết, mắt viêm đỏ có dử, chảy nước mũi, miệng có loét phủ bựa vàng ở lợi, chân răng, hầu; Lợn nôn mửa, lúc đầu táo bón sau đó tiêu chảy, phân có mùi thối khắm và có thể lẫn máu tươi. Trên da có nhiều điểm xuất huyết lấm tấm ở tai, mõm, bụng và 4 chân.

Triển khai các biện pháp chống dịch bệnh

Bệnh Dịch tả lợn Châu phi là bệnh truyền nhiễm của loài lợn, gây ra bởi một loại vi rút, hiện nay chưa có thuốc  điều trị bệnh. Do đó bà con cần thực hiện:

- Thông tin ngay cho đồng chí thôn trưởng và Trung tâm cung ứng Dịch vụ công xã về tình hình dấu hiệu của dịch bệnh hoặc có nghi ngờ về dịch bệnh.

- Tuyệt đối không giấu dịch, bán chạy lợn dịch bệnh hoặc vức xác lợn bệnh ra ao hồ, sông suối, ven đường làm ô nhiễm và lây lan dịch bệnh ra công đồng.

-Tiến hành chôn xác lợn bệnh có xử lý vôi để diệt mầm bệnh.

            ( Chính quyền đào hố tiêu hủy theo quy định)

Hiện nay, UBND xã Ba Vinh tiếp tục tăng cường công tác giám sát tại cơ sở, chỉ đạo các thôn thường xuyên theo dõi tình hình chăn nuôi, kịp thời báo cáo khi phát hiện lợn có dấu hiệu bất thường. Đồng thời, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức, tuyệt đối không giấu dịch, không vứt xác lợn bừa bãi và chấp hành nghiêm hướng dẫn của cơ quan thú y trong việc phòng, chống dịch bệnh.

 Mọi ý kiến đề nghị hỗ trợ, giải đáp, xin liên hệ đồng chí Trần Thị Ngọc Thương, Trung tâm Cung ứng Dịch vụ công xã Ba Vinh số điện thoại 0986787069./.

 

PVĐ – Phòng VH-XH xã Ba Vinh.